Hai chàng trai trẻ theo đuổi dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 500 tỉ đồng, với tham vọng xây dựng một trang trại trái cây quy mô 270 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Kon Tum.
Trang trại cây trái 270 ha giữa đại ngàn
Đó là các anh Phạm Quang Huy (28 tuổi) và anh Phạm Anh Tuấn (25 tuổi), Giám đốc và Phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất và chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (xã Đăk Psi, H.Đăk Hà, Kon Tum).
Giấc mơ trái cây sạch
Anh Phạm Anh Tuấn chia sẻ, khu đất làm trang trại rộng hơn 400 ha, trước đây gia đình anh thuê lại của địa phương để trồng cao su. Dù đã đầu tư rất nhiều chi phí, nhưng hiệu quả kinh tế thu lại không cao. Trong bối cảnh con người ngày càng chú trọng đến vấn đề sức khỏe, nguồn nông sản sạch bảo đảm an toàn vệ sinh được nhiều nước trên thế giới chọn lựa, cuối năm 2018, anh Tuấn cùng người em họ Phạm Quang Huy bàn bạc, quyết định thành lập công ty trồng trái cây sạch, do anh Huy làm giám đốc.
Để phục vụ canh tác, sản xuất, hai anh tuyển dụng hơn 10 kỹ sư nông nghiệp và 100 lao động tại địa phương đưa đi học tập kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn ở các đơn vị trong nước có mô hình trồng cây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Ngoài ra, công ty mời các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài thường xuyên tư vấn và hướng dẫn cho đội ngũ nhân sự của công ty.
Sau khi chuẩn bị nhân sự, hai chàng trai trẻ quyết định chặt bỏ vườn cao su 5 năm tuổi để đầu tư vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Anh Tuấn bên sầu riêng và mít trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP
Theo anh Tuấn, nông sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP phải đảm bảo an toàn thực phẩm và được truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP còn đảm bảo phúc lợi, sức khỏe cho người lao động và bảo vệ môi trường. “Nông sản đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP nghĩa là được thừa nhận đảm bảo chất lượng trên toàn cầu (được cấp chứng nhận) thì phải trải qua một hệ thống kiểm soát vận hành nghiêm ngặt, tối ưu, đồng nghĩa phải tốn thêm một khoản chi phí đáng kể. Tuy nhiên, những sản phẩm này sẽ không lo đầu ra và dễ dàng tiêu thụ, lưu hành ở mọi thị trường trên thế giới. Nông sản sạch cũng mang lại lợi nhuận cao hơn sản phẩm thông thường”, anh Tuấn tự tin.
Chờ quả ngọt đầu mùa
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, trang trại của hai chàng trai trẻ đã phủ xanh được 270 ha, gồm khoảng 230 ha trồng 100.000 gốc mít xen canh sầu riêng và hơn 40 ha cây gỗ dổi trên các đỉnh đồi hay vùng giáp ranh. Theo anh Tuấn, dự án này dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng với 4 năm đầu tư, bao gồm sản xuất, kinh doanh, xây dựng khu chế biến trái cây xuất khẩu và chi phí quảng bá ra nước ngoài.
Cũng theo vị phó giám đốc trẻ, từng quy trình đầu tư, sản xuất của công ty được giám sát chặt chẽ, chỉ một khâu nhỏ không đảm bảo quy trình là có thể phá hỏng thành quả cả quá trình. “Nói chung làm theo tiêu chuẩn này rất khắt khe và yêu cầu sản phẩm phải sạch tuyệt đối. Tất cả người sản xuất, lưu thông, phân phối theo chuẩn GlobalGAP đều phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của họ khi khách hàng trong và ngoài nước sử dụng. Nếu các chuyên gia đi kiểm tra thấy một con sâu, hay nguồn nước tưới không đảm bảo, họ sẽ lấy lại chứng chỉ đạt chuẩn. Nó đồng nghĩa với việc chúng tôi không thể xuất bán sản phẩm được, giấc mơ trái cây sạch sẽ tiêu tan”, anh Tuấn nói và minh chứng về sự khắt khe: “Có lần, chúng tôi mua 200 tấn phân bò về ủ vì nghĩ đây không phải phân bón hóa học nên có thể bón cho cây trồng. Tuy nhiên khi đi kiểm tra, các chuyên gia GlobalGAP đã yêu cầu phải bỏ số phân này vì không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn”.
Theo dự kiến, tháng 6 năm nay mít sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên, công ty ước tính có khoảng 5.000 trái mít siêu sạch đến tay người tiêu dùng. “Đợt hàng này, công ty dự tính sẽ hợp tác cùng các siêu thị để giới thiệu sản phẩm. Những đợt thu sau, công ty sẽ hướng đến các thị trường châu Âu. Dự tính khi cả sầu riêng và mít bắt đầu cho thu hoạch, mỗi héc ta sẽ có thu nhập khoảng trên 2 tỉ đồng”, anh Tuấn tin tưởng.
Góp phần bảo vệ rừng
Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Psi, cho biết Công ty TNHH sản xuất và chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát đã bắt đầu trồng mít từ hơn 1 năm nay. Ngoài việc giải quyết được việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, từ khi công ty đi vào hoạt động đã giúp địa phương hạn chế được tình trạng cháy rừng.