Trồng cây ăn trái để xuất khẩu, nâng cao giá trị cho các loại trái cây quen thuộc như mít, sầu riêng là hướng đi mà Công ty TNHH SX&CB Nông Lâm Sản Nghĩa Phát đang hướng đến. Đây là doanh nghiệp có diện tích cây ăn trái nhất ở huyện Đăk Hà được trồng theo tiêu chuẩn Global Gap.
Trang trại trồng cây ăn trái của Công ty TNHH SX&CB Nông Lâm Sản Nghĩa Phát ở xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà. Trên diện tích hơn 300 ha, hiện doanh nghiệp đã trồng 220 ha mít Thái xen sầu riêng, 50 ha cây dỗi. Anh Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty nói: “Trước khi chúng tôi xuống giống, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều loại, chúng tôi chọn loại trái cây phù hợp với vùng đất của Kon Tum để trồng và phát triển mạnh, mục tiêu của công ty là để xuất khẩu, đạt được giá trị cao, mục tiêu trong nước là mục tiêu trước mắt”.
Chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn Global Gap
Chọn hướng đi xuất khẩu nên những loại trái cây được trồng đều là những giống cho chất lượng tốt nhất hiện nay. Để đảm bảo cho việc xuất khẩu, vườn cây được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn Global Gap, là bộ tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất nông nghiệp. Hiện trang trại này đang áp ụng công nghệ tưới phun sương bu áp. Tất cả các loại phân, chất dinh dưỡng đều được định lượng chính xác, hòa tan trong nước và theo đường nước đến tận từng gốc cây. Kỹ sư Nguyễn Tiến Phương, cán bộ Công ty cho biết: “Qua trồng hơn 10 tháng cả cây sầu riêng Musa King và mít Thái phát triển rất tốt. Về hướng đi Global Gap công ty xác định ngay từ đầu là làm phải sạch. Về cái chăm sóc thì hoàn toàn dựa vào tiêu chuẩn Global Gap, phân, thuốc ít và hạn chế tối đa phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật”.
Trang trại này tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương với mức lương ổn định khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Y Đoàn (hôn Đăk Cang Peng, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) chia sẻ: “Công việc ở đây có ngày tưới nước, có ngày làm cỏ, có ngày đi cắm le, ngày đi cột cây. Công việc cũng không vất vả cũng giống như làm ruộng làm rẫy nhà. Thu nhập ổn định, cũng muốn làm lâu dài ở đây”.
Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Global Gap hiện đang được nhiều doanh nghiệp, người dân lựa chọn để có thể tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản. Đây cũng là xu thế bắt buộc để nâng cao giá trị cho hàng nông sản Việt.
Như Nguyệt – Đức Thắng